Bà bầu rất dễ mệt mỏi, kiệt sức khi làm việc, vì vậy cũng cần quan tâm chăm sóc cơ thể nhiều hơn.
Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian mang thai sẽ gây nhiều trở ngại về hiệu quả công việc ở bà bầu, nhưng ngoại trừ một số trường hợp phải nghỉ việc vì tình trạng sức khỏe quá kém, còn lại đa phần chị em vẫn đi làm và làm việc bình thường trong suốt thai kỳ. Đi làm còn giúp bà bầu ổn định về mặt tâm lý trong thời điểm chị em thường cảm thấy bị mất phương hướng do các thay đổi về thể chất và cảm xúc xảy ra dưới tác động của hormone khi mang thai. Tuy vậy, đi làm mà vẫn giữ được sức khỏe tốt cho cả mẹ và con lại là vấn đề khác cần được thai phụ quan tâm đúng mức để tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Sau đây là những lưu ý quan trọng dành cho bà bầu đi làm mà chị em nên tham khảo để trải qua một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Cân nhắc tác động từ môi trường làm việc
Đi làm đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp phải nhiều tác động không có lợi cho bé từ môi trường bên ngoài, đó có thể là tia X-quang khi photo tài liệu, phải hít thở không khí ô nhiễm khói thuốc nếu chẳng may có đồng nghiệp nghiện hút thuốc trong phòng, thường xuyên đứng hoặc mang vác nặng… Do đó, khi biết mình mang thai, các bà mẹ tương lai cần phải nghiêm túc xem xét lại môi trường làm việc hàng ngày để tránh tối đa những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc nơi công sở gây hại cho cả mẹ và thai nhi (hình minh họa)
Theo các chuyên gia, điều kiện làm việc có ảnh hưởng nhất định đến việc tăng nguy cơ gây biến chứng khi mang thai, đặc biệt với những thai phụ có tiền sử sinh non hoặc sẩy thai, bao gồm các môi trường tiềm ẩn độc hại sau: thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu, các hóa chất bốc hơi nhanh như keo dán, xăng, sơn, sơn mài, chất tẩy rửa, xi măng...); giờ làm việc quá nhiều so với quy định của Luật Lao động; tính chất công việc phải đứng quá lâu, mang vác nặng…; môi trường làm việc quá nóng hoặc quá lạnh, có sự rung lắc mạnh và liên tục (như trong các xí nghiệp, nhà máy); các công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn và cân bằng tốt có thể gây khó cho bà bầu vì cơ thể thay đổi khi bầu bí... Nếu đang phải làm việc ở một trong các môi trường trên, mẹ bầu cần trao đổi với quản lý để được thu xếp công việc phù hợp hơn trong thời gian mang thai.
Bí kíp “vàng” cho bà bầu công sở
Bí kíp mặc đẹp cho mẹ bầu công sở
Giúp mẹ bầu công sở đối phó với ốm nghén
Váy cực yêu cho bà bầu công sở
Ngoài ra, dù hiện nay rất ít công ty cho phép hút thuốc trong phòng và một vài nơi cho phép hút thuốc trong các khu vực chỉ định, nhưng bà bầu cũng nên tránh tối đa nơi có người hút thuốc vì việc hút thuốc gián tiếp (chỉ hít khói thuốc) sẽ gây nhiều hậu quả không tốt cho mẹ và bé, giống như tác hại từ chính bạn trực tiếp hút thuốc.
Giảm mệt mỏi, căng thẳng trong công việc
Một tâm trạng thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, tràn năng lượng ở mẹ sẽ giúp bé yêu phát triển tốt hơn. Vì vậy, hãy cố gắng để giữ sức khỏe ngay trong cả ngày làm việc bằng các mẹo nhỏ sau:
- Khởi đầu không vội vã. Khi bầu bí, bạn nên chìu chuộng cơ thể hơn, bằng việc cho phép mình có thêm chút thời gian để ra khỏi giường và chuẩn bị đi làm. Việc cuống cuồng, vội vã vào mỗi buổi sáng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng buồn nôn và ốm nghén, chưa kể tâm trạng hối hả này không hề tốt cho bà bầu và thai nhi.
Bà bầu nên sắp xếp công việc khoa học, hợp lý để giảm stress và có thêm thời gian nghỉ ngơi (hình minh họa)
- Sắp xếp lịch làm việc khoa học, hợp lý. Nếu trước khi mang thai, bạn ôm đồm quá nhiều việc, thì đây chính là thời điểm để sắp xếp mọi thứ lại một cách khoa học, hợp lý hơn. Mỗi ngày trước khi bắt đầu công việc, hay trước khi ra về, bạn nên dành khoảng thời gian ngắn để lên danh sách những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên: quan trọng – ít quan trọng, gấp và không gấp rồi phân bổ thời gian hợp lý cho từng việc. Biết được “lịch làm việc” của cơ thể cũng là điều rất bổ ích để cân đối đầu việc và duy trì sức khỏe. Hãy thử ngẫm xem mình làm việc hiệu quả nhất là buổi nào, hay mệt nhất vào tầm nào, từ đó thu xếp giải quyết công việc quan trọng, cần độ tập trung cao vào những lúc sung sức nhất.
- Đề xuất được giúp đỡ khi cần thiết. Đừng “cắn răn” ôm một núi công việc khi bầu bí, nếu không muốn mình kiệt sức và stress kéo dài. Thời gian mang thai chính là lúc bạn cần được giúp đỡ nhiều nhất, dù muốn hay không, để tránh ảnh hưởng đến bé. Nếu cho đồng nghiệp biết sớm là bạn đang có thai, chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều cảm thông với những thay đổi về xúc cảm và thể chất ở bạn, chẳng hạn tâm trạng thất thường lúc này lúc khác, hay mệt mỏi, uể oải…, cũng như sẽ được hỗ trợ chu đáo hơn trong công việc. Cũng nên trình bày rõ với cấp trên về việc bạn mang bầu và những lí do khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Nếu sức khỏe không đảm bảo, nên chủ động đề xuất các phương án như xin làm bán thời gian, bớt nhận việc về nhà, tăng các công việc team – work để được giúp đỡ nhiều hơn…
- Nghỉ ngơi ngắn trong ngày. Sau khoảng 1 giờ làm việc, nên đứng dậy, đi lại vài phút, hoặc luyện tập vài bài tập thể dục đơn giản cho phần cổ, vai, khung chậu, chân… để làm dịu bớt căng thẳng và giúp gia tăng tuần hoàn huyết. Vào giờ ăn trưa hay giờ nghỉ, nếu có thể, nên tắt đèn và nằm nghỉ, hoặc nhắm mắt thư giãn, để cho cơ thể nghỉ ngơi. Không gì tốt hơn một giấc ngủ trưa ngắn trong giờ nghỉ để phục hồi năng lượng cho bà bầu, vì mệt mỏi có thể làm bạn mất tập trung trong công việc.
- Giải tỏa căng thẳng. Hãy chia sẻ những áp lực trong công việc, những khó khăn vướng mắc mà bạn đang gặp phải với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình,… để tâm lý thoải mái và giảm stress hiệu quả. Đồng thời hãy thư thả, cố gắng làm mọi thứ với tốc độ chậm hơn, ngừng lại và nghỉ ngơi khi thấy mệt.
Giữ tư thế làm việc hợp lý
Cần chọn ghế ngồi có phần lưng tựa chắn chắn để giảm đau lưng và tránh té ngã cho bà bầu (hình minh họa)
- Chọn ghế và tư thế ngồi phù hợp. Nếu làm việc văn phòng, ghế và tư thế ngồi rất quan trọng với bạn, vì nếu ngồi không đúng cách sẽ làm tình trạng đau lưng càng trầm trọng, chọn ghế không chắc chắn có thể làm bạn bị té ngã…Vì vậy, bà bầu nên lưu ý chọn ghế có độ cao vừa phải để đứng lên ngồi xuống dễ dàng, có chỗ tì tay, có trang bị đệm mút lưng. Cũng có thể đem thêm vài chiếc gối mềm, lót vào ghế và tựa lưng khi làm việc. Khi ngồi nên nâng cao chân, thường xuyên duỗi và gập đầu gối để thúc đẩy quá trình lưu thông máu.
- Tư thế đứng cho bà bầu. Do trọng lượng thai nhi càng lúc càng tăng, cùng với vùng bụng không ngừng lớn lên đẩy trọng tâm cơ thể bạn ra phía trước, và để giữ thăng bằng, bạn có xu hướng ưỡn cong lưng ra phía sau khiến các cơ bụng bị căng kéo, làm tình trạng đau lưng càng nặng hơn. Tư thế đứng đúng là cả cổ, lưng của bạn đều phải nằm trên 1 đường thẳng. Đồng thời, đứng lâu có thể làm bạn thấy đau, hoa mắt chóng mặt, choáng ngất do sự giãn nở mạch máu làm cho máu dồn xuống chân nhiều hơn. Vì vậy, khi đứng nên tựa lưng vào tường để giảm sức đè lên chân, hoặc đặt chân lên một chiếc hộp, hay ghế thấp, lần lượt đổi tư thế sang chân kia. Đồng thời bà bầu cũng nên lưu ý chọn giày đế bằng, có đệm lót êm ái, thoải mái để nâng đỡ chân, thỉnh thoảng nên bỏ giày ra để chân được nghỉ ngơi.
- Tư thế phù hợp khi nhặt hoặc nâng đồ vật. Khi cần lấy một vật dưới đất, đừng cúi cong người xuống mà hãy ngồi, hoặc quỳ xuống trong tư thế thẳng lưng. Nếu trong công việc có lúc phải nâng khiêng đồ vật, hãy khụy đầu gối và chạm tay vào vật, giữ cho lưng càng thẳng càng tốt, ôm vật sát người và từ từ nâng lên bằng cách đứng thẳng chân lên, sử dụng cơ chân và cơ đùi để thực hiện động tác nâng. Các mẹ bầu cũng lưu ý tuyệt đối không nâng các vật quá nặng, không cố sức lấy các vật nặng từ trên kệ cao.
Đảm bảo dinh dưỡng cho cả ngày làm việc
Làm việc khiến bạn mau đói hơn, vì vậy cần chăm chút chế độ ăn ngay tại chỗ làm để đảm bảo đủ dưỡng chất cho cả mẹ và con (hình minh họa)
- Các món ăn vặt bổ dưỡng. Trong giỏ xách đi làm của bạn nên có các món ăn vặt bổ dưỡng như bánh bích qui làm bằng ngũ cốc nguyên chất, bánh mì dòn, trái cây sấy khô, các loại hạt, trái cây tươi, yaourt… Đồng thời nên dùng thêm sữa cho bà bầu hoặc sữa tươi không đường.
- Uống nhiều nước. Nếu thiếu nước, cơ thể bà bầu sẽ càng mệt mỏi và nghén trầm trọng hơn, chưa kể môi trường làm việc trong máy lạnh sẽ làm bạn bị mất nước và thường xuyên thấy khát. Vì vậy, bạn nên trang bị trên bàn làm việc một chai nước ấm, cũng có thể bổ sung thêm nước bằng các loại nước hoa quả không đường, sữa đậu nành, nước dừa tươi…để cung cấp thêm nhiều vitamin và khoáng chất có lợi khác.
- Đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Do đi làm nên nhiều bà bầu thường chọn ăn trưa ở các hàng quán gần công ty thay vì chế biến ở nhà, nên nguy cơ về nhiễm độc thực phẩm càng gia tăng. Vì vậy, hãy chọn các hàng quán đảm bảo an toàn thực phẩm, nếu có điều kiện bà bầu nên nấu sẵn và mang theo cơm đến cơ quan, hâm lại bằng lò vi sóng. Đồng thời tránh ăn quà vặt hay hoa quả bán rong để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Tin tức
SHOP MẸ & BÉ BABYLOVEVN
1/2/14 Đường số 13, P. Tân Kiểng , Q. 7, Tp.Hồ Chí Minh
Website : http://babylovevn.com
Y!M : tuvan.babylovevn
Mobile:0939 227 929