Nhiều mẹ quyết tâm áp dụng phương pháp ăn dặm của Nhật cho bé nhưng lại lúng túng không biết nên mua sắm gì khi bé đến tuổi ăn dặm. Sau đây là những dụng cụ cần thiết khi chế biến món ăn và cho bé ăn dặm.
Dụng cụ chế biến món ăn cho bé
1. Lon nấu cháo
Tiện dùng nhất hiện nay là lon nấu cháo của Pigeon. Chỉ cần đong gạo và nước vào lon rồi đặt vào nồi cơm điện nấu cùng cơm gia đình. Khi cơm chín thì gạo trong lon cũng thành cháo. Với điều kiện, nồi cơm điện nấu 45 phút chín cơm thì cháo mới nở mềm. Với loại gạo hút nhiều nước như gạo Việt Nam, gạo Thái Lan thì nên ngâm gạo trước khi nấu 15-20 phút để cháo không bị đặc. Dùng lon nấu cháo Pigeon, các mẹ sẽ nấu được các loại cháo theo tỉ lệ 1:10, 1:7, 1:5, 1:3 một cách chính xác, giúp bé tập ăn hiệu quả mà mẹ lại nhàn.
Hướng dẫn sử dụng lon nấu cháo Pigeon
Trên lon có chia vạch và đánh số. Đối với cháo 1:10, đong 1 muỗng gạo và 10 muỗng nước cho vào lon, các mẹ sẽ thấy nước dâng đến vạch số 1 (dùng muỗng 5 ml có sẵn theo bộ của Pigeon). Như vậy, để đơn giản thao tác, các mẹ chỉ cần đong 1 muỗng gạo và đổ nước đến vạch số 1. Sau đó, đặt lon Pigeon vào nồi cơm điện nấu cùng cơm gia đình. Tương tự như vậy đối với cháo 1:7, 1:5, 1:3.
2. Bộ dụng cụ chế biến thức ăn
Bộ dụng cụ chế biến thức ăn cho bé gồm: chén nghiền có nhiều rãnh, chày gỗ (dùng để nghiền chứ không phải giã như giã tỏi), lưới rây, bàn mài (cà rốt, củ cải, táo), bàn vắt (cam, chanh).
3. Cân định lượng
Các mẹ nuôi con ăn dặm nên sắm một chiếc cân 0.5 kg hoặc 1 kg để định lượng nguyên liệu và khẩu phần ăn của bé. Như vậy sẽ chính xác hơn là ước lượng.
4. Ly, muỗng định lượng
Ly và muỗng định lượng cũng rất cần thiết khi chế biến món ăn cho bé. Khi dùng ly, muỗng định lượng, món ăn của bé sẽ không bị bữa mặn, bữa nhạt, bữa đặc, bữa loãng.
5. Đồng hồ hẹn giờ
Đồng hồ hẹn giờ vốn không thể thiếu trong nhà bếp của bạn. Khi chế biến món ăn cho bé, mẹ càng cần đến đồng hồ hẹn giờ hơn. Khi dùng đồng hồ hẹn giờ, mẹ sẽ canh được độ mềm chuẩn khi cần làm mềm các loại thực phẩm cho bé theo từng độ tuổi. Tránh được hiện tượng món ăn của bé bữa thì cứng quá, bữa thì vừa mềm, bữa thì nhừ quá. Thức ăn dành cho bé ăn dặm cần độ mềm thích hợp với độ tuổi của bé thì hiệu quả thành công trong việc tập cho bé ăn sẽ cao. Ngoải ra, dùng đồng hồ hẹn giờ, các mẹ sẽ tránh quên làm cháy khét món ăn do bận để tâm vào việc khác.
6. Dao, thớt, nồi, chảo
Những vật dụng này các mẹ thường có sẵn trong bếp nhà mình. Tuy nhiên, các mẹ có thể sắm thêm 1 nồi nhỏ và 1 chảo nhỏ có nắp (đường kính 12-14 cm) để tiện chế biến một lượng ít thức ăn cho bé.
Dụng cụ cho bé ăn dặm
1. Chén, muỗng cho bé ăn dặm
Có thể sử dụng chén, muỗng nhỏ có sẵn trong gia đình khi cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, nên phân biệt những đồ dùng của bé riêng để phòng tránh những bệnh lây nhiễm khi dùng chung đồ dùng với người lớn trong gia đình.
Cũng nên dùng chén, muỗng bằng nhựa khi cho bé ăn để tránh đổ vỡ và nên chọn loại nhựa tốt không có hại cho bé. Khi tập cho bé tự bốc, tự xúc thức ăn, bé còn vụng tay nên dễ làm rơi các thứ xuống nền nhà. Nếu dùng chén sứ đắt tiền mà bé lỡ làm rơi vỡ có khi bé lại bị mắng oan.
2. Ghế ăn
Mẹ nên cho bé vào ghế ăn khi bé bắt đầu ăn dặm. Vì cho bé vào ghế ăn càng sớm, bé càng hình thành thói quen sớm. Ghế ăn nên chọn loại có thể ngả lưng nhiều nấc. Khi bé chưa ngồi vững, mẹ ngả lưng ghế cho bé ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm để ăn. Khi bé đã ngồi vững, mẹ dựng hẳn lưng ghế cho bé ngồi thẳng lưng khi ăn. Nên chọn loại ghế ăn có thể sử dụng từ khi bé bắt đầu ăn dặm đến khi bé được 3 tuổi. Như vậy, mẹ không phải lo đến chuyện đổi ghế cho phù hợp độ tuổi của bé. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế, các mẹ có thể sử dụng các loại ghế ăn dễ tìm mua ở Việt Nam.
3. Yếm ăn
Yếm ăn của bé thường có yếm vải, yếm nilon, yếm nhựa rất đa dạng về mẫu mã lẫn màu sắc. Tuy nhiên, nhà trẻ ở Nhật Bản luôn khuyến khích phụ huynh tự may yếm ăn cho bé bằng chiếc khăn lông thông thường.
Cách làm yếm ăn cho bé:
Gấp đôi chiếc khăn lông có kích thước 30 x 60 cm theo chiều ngang. Dùng kim chỉ may một đường ngang rộng khoảng 1,5 cm ở phần nếp gấp. Cuối cùng, luồn sợi dây thun vào rồi đính chặt dây thun thành một vòng tròn sao cho bé có thể chui đầu qua.
Tuy loại yếm tự làm không đẹp bằng nhiều loại yến ăn được thiết kế và bán sẵn, nhưng nhà trẻ ở Nhật thường khuyến khích sử dụng loại yếm này vì vừa tiết kiệm vừa dễ hướng dẫn cho bé tự đeo yếm trước khi ăn. Bé chỉ cần choàng dây thun qua đầu là đã thực hiện xong việc đeo yếm. Sau khi ăn xong, bé cũng chỉ cần tháo dây thun khỏi đầu là đã thực hiện xong việc cởi yếm. Đây là một phương pháp đơn giản nhằm rèn luyện tính tự lập cho bé từ khi bé mới 1 tuổi hay 1,5 tuổi.
Nhưng chắc chắn là nhiều mẹ sẽ thích sắm cho bé yêu của mình những chiếc yếm ăn xinh xắn được thiết kế sẵn. Cũng không sao, mẹ có thể kết thêm sợi thun vào yếm để hướng dẫn bé tự đeo yếm khi ăn. Khi bé tự mình đeo yếm được, mẹ sẽ thấy bé rất vui!
4. Khăn ăn
Có thể dùng khăn giấy hoặc giấy ướt. Nhưng tiết kiệm nhất là dùng khăn xô của bé, vì khăn xô có thể giặt sạch dùng lại nhiều lần. Khi bé biết nhận thức, mẹ có thể hướng dẫn cho bé tự lau miệng, lau tay và lau thức ăn rơi xuống bàn. Dần dần, bé sẽ hình thành thói quen giữ vệ sinh khi ăn uống. Các mẹ thử xem, bé sẽ rất đáng yêu đấy! ^^
5. Báo cũ (hoặc tấm nilon lớn)
Dùng để lót dưới sàn nhà để hấng thức ăn rơi xuống khi cho bé ăn hoặc lúc tập cho bé tự bốc, tự xúc thức ăn. Sau khi cho bé ăn xong, mẹ cuốn báo bỏ đi hoặc lau sạch tấm nilon để dùng cho bữa sau.
Đến đây thì các mẹ có thể bắt đầu trổ tài nấu nướng cho bé yêu rồi đó! Dot Card Glenn Doman chúc các mẹ chuẩn bị những bữa ăn dặm cho bé yêu thật ngon và bổ dưỡng.
“Tài liệu hướng dẫn ăn dặm” của Trung tâm dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh so với Nhật Bản
Nếu có dịp tham khảo “Tài liệu hướng dẫn ăn dặm” của Trung tâm dinh dưỡng Tp. Hồ Chí Minh (TTDD), hẳn các mẹ đã theo phương pháp ăn dặm của Nhật Bản sẽ thấy tài liệu ấy khá nặng nề và thiếu tính khoa học trầm trọng. Tình trạng bé biếng ăn và suy dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn chưa cải thiện được có lẽ một phần vì kiến thức về ăn dặm của Việt Nam vẫn chưa cải thiện trong nhiều năm qua.
Về quá trình tập ăn
Trước tiên, theo “Tài liệu hướng dẫn ăn dặm” của TTDD, bé bắt đầu ăn dặm khi bé được 6 tháng và kết thúc quá trình ăn dặm khi bé 24 tháng (2 tuổi). Và quá trình ăn dặm theo TTDD được chia làm 3 giai đoạn: 6-9 tháng, 9-12 tháng, 12-24 tháng.
Như vậy, theo tài liệu ăn dặm của TTDD, giai đoạn 1 kéo dài 3 tháng, giai đoạn 2 kéo dài 4 tháng, giai đoạn 3 kéo dài 12 tháng và tổng cộng quá trình ăn dặm của bé là 18 tháng. Không hiểu TTDD căn cứ vào cơ sở nào mà chia quá trình ăn dặm của bé thành 3 giai đoạn như trên. Quá trình ăn dặm của bé kéo dài khá lâu và không cân đối, giai đoạn 1 kéo dài 3 tháng trong khi đó giai đoạn 3 lại kéo dài tới những 12 tháng (1 năm). Nếu so sánh với “Tài liệu hướng dẫn ăn dặm” của Nhật Bản thì cả quá trình tập ăn cho bé chỉ kéo dài có 10 tháng.
Về chế độ ăn dặm
Theo “Tài liệu hướng dẫn ăn dặm” của TTDD, bé từ 6 đến 9 tháng tuổi mỗi ngày ăn 2 bữa bột sệt (khoảng 200 – 300 ml / 1 ngày), bú 4 – 5 cữ sữa mẹ (khoảng 700 – 800 ml sữa bột / 1 ngày), thêm 1 – 2 cữ nước trái cây như chuối, đu đủ, nước cam (khoảng 50 ml).
Bé từ 9 đến 12 tháng tuổi mỗi ngày ăn 2-3 bữa bột đặc hoặc cháo đặc (200 ml / 1 bữa à 600 ml / ngày), bú mẹ nhiều lần trong ngày, ít nhất 4 lần trong ngày hoặc 600-700 ml sữa bột / ngày, thêm 2 lần nước trái cây hoặc trái cây tán nhỏ sau bữa ăn hoặc sau khi bú.
Bé từ 12-24 tháng tuổi mỗi ngày ăn 3 bữa cháo đặc (3 chén, tương đương 600 ml), tiếp tục bú sữa mẹ ít nhất 3 lần trong ngày hoặc 500-600 ml sữa bột / ngày, thêm 2-3 bữa phụ (trái cây tán, chè, bánh flan, sữa chua …).
Có thể thấy, chương trình ăn dặm của TTDD khá nặng nề và khác xa với chương trình ăn dặm của Nhật Bản qua bảng dưới đây.
Nhìn bảng trên có thể thấy, theo tài liệu ăn dặm của Nhật Bản thì bé ăn dặm giai đoạn 1, 2, 3 mỗi ngày ăn 5 bữa, mỗi bữa cách nhau 4 tiếng. Sang giai đoạn 4, mỗi ngày bé ăn 3 bữa chính cùng thời gian với người lớn và 2 bữa phụ xen kẽ 3 bữa chính.
Trong khi đó, theo tài liệu ăn dặm của TTDD thì bé từ 6 đến 24 tháng mỗi ngày ăn từ 7 đến 9 bữa. Như vậy, nếu chia đều khoảng cách giữa các bữa thì mỗi bữa cách nhau khoảng 2 tiếng hoặc chưa đến 2 tiếng. Như vậy, dễ hiểu vì sao các bé ở độ tuổi này thường bị coi là biếng ăn. Vì bé chưa kịp tiêu hóa thức ăn bữa trước đã phải ăn tiếp bữa sau, nên bé luôn trong tình trạng không biết đói bụng. Chính vì vậy, dù bé ăn nhưng không biết ngon. Dần dần, bé không còn hứng thú với chuyện ăn uống.
Theo bảng trên, ở Việt Nam, bé sẽ ăn bột đến gần 1 tuổi và ăn cháo đến 2 tuổi. Trong khi đó, ở Nhật Bản, bé chỉ ăn cháo nghiền (mịn gần như bột) trong 2 tháng, và bé sẽ ăn cơm lúc 1 tuổi.
Theo bảng trên, ở Việt Nam, bé mới ăn dặm đã ăn một bữa những 100-150 ml bột. Trong khi đó, ở Nhật Bản, bé mới ăn dặm chỉ ăn 50-70 g cả cháo nghiền lẫn thức ăn mỗi bữa. Như vậy, nếu bé được chăm theo “Tài liệu hướng dẫn ăn dặm” của TTDD thì chắc chắn hệ tiêu hóa của bé sẽ bị làm việc quá sức.
Hơn nữa, theo TTDD thì bé ăn bột và cháo suốt 18 tháng ròng rã trong khi đó người Nhật chỉ cho con họ ăn cháo trong vòng 7 tháng và sau đó là bé có thể ăn cơm. Bé được tập ăn theo một tiến độ hợp lý, khoa học. Bé tập ăn từ loãng đến đặc dần (theo tỉ lệ nêu trên), từ mịn đến thô dần. Mỗi giai đoạn tập ăn không quá dài và thức ăn được thay đổi phù hợp với độ tuổi của bé nên bé không bị ngán khi phải ăn một chế độ ăn quá lâu.
Như vậy, dễ hiểu vì sao hiện nay ở Việt Nam tình trạng bé biếng ăn vẫn chưa được cải thiện. Để có thể nhét hết một lượng thức ăn nhiều như vậy vào bụng, bé phải bị ép uổng là chuyện khó tránh khỏi. Lâu dần, bé phản ứng lại bằng cách không muốn ăn nữa. Cuối cùng, bài ca “con lười ăn” vẫn muôn thuở không ngừng. Trường hợp bé nào đáp ứng tốt, chịu đựng được sức nhồi nhét tốt thì tương lai sẽ dễ béo phì.
Về kỹ năng ăn
Người Nhật cho rằng, vào 7 tháng tuổi là bé bắt đầu có phản xạ nhai. Do đó, thức ăn cần được làm thô hơn. Chính vì vậy mà khi được 7 tháng, bé sẽ được tập ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7. Cháo nguyên hạt lợn cợn sẽ giúp phát triển kỹ năng nhai và nuốt thô hơn. Sang 9 tháng bé chuyển sang cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5. Lúc này, dù bé chưa đủ răng nhưng bé nhai tốt bằng lợi. Vì vậy, thức ăn dù to nhưng nếu làm mềm thì bé vẫn nhai được. Và đến 1 tuổi là bé có thể nhai cơm và ăn cơm dù chưa đủ răng.
Trong khi đó, TTDD khẳng định rằng: “12 tháng tuổi có thể bé đã có 8 răng, nhưng là răng cửa nên bé vẫn chưa nhai kỹ được thức ăn, vì vậy đồ ăn của bé vẫn phải mềm, băm nhỏ, tán nhuyễn. Khi bé mọc thêm răng tiền hàm là thời điểm thuận lợi để tập cho bé ăn đồ ăn lợn cợn hơn. Khi bé mọc răng cối lớn có thể cho bé chuyển sang ăn cơm xay, cơm tán …”. Do đó, theo TTDD, bé phải ăn cháo đến 24 tháng (2 tuổi). Như vậy, vô tình TTDD đã làm mất phản xạ nhai của bé vào lúc bé được 7 tháng tuổi. Và thời gian trôi qua, bé chỉ biết nuốt thức ăn nhuyễn, đến khi tập ăn thức ăn thô thì bé khó nhai, không biết nhai, nên bé chỉ nuốt. Và vì nuốt thô nên bé ọe. Vì vậy, không ít bé thường xuyên bị ọe khi ăn cháo lợn cợn và những bé như thế sẽ luôn được chăm sóc đặc biệt vì “bệnh” ọe khi ăn.
Tóm lại, “Tài liệu hướng dẫn ăn dặm” của TTDD và Nhật Bản khác xa nhau về quá trình ăn dặm, chế độ ăn dặm và cả kỹ năng ăn dặm như đã so sánh ở trên. Thiết nghĩ, để cải thiện tình trạng bé biếng ăn phổ biến ở Việt Nam, TTDD cần có những nghiên cứu thực nghiệm để điều chỉnh tài liệu hướng dẫn ăn dặm sao cho phù hợp và khoa học.